Di tích Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn

Thứ tư - 15/05/2024 15:37
Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn trước kia rất rộng, tạo thành thế liên hoàn bao quanh căn cứ Trảng Lớn, gồm 4 cụm chiến đấu chính. Ngày nay, Huyện ủy Châu Thành chọn khu vực Ngã ba Sọ làm địa điểm lưu niệm Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, thuộc địa phận Khu phố 1, Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
 C40 Châu Thành tại Ninh Điền, năm 1969
Cuộc họp chỉ huy, cán bộ Huyện đội Châu Thành chuẩn bị xuất kích
 Các chiến sĩ trẻ của C40 Châu Thành phục kích đánh địch trên vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong buổi lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử quốc gia cho 2 di tích 
“Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” và “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”.
 
Sau khi thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, tháng 7/1965 Mỹ quyết định đưa lực lượng trực tiếp tham chiến vào miền Nam Việt Nam và chiến trường Nam bộ để giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
Trảng Lớn rộng khoảng 8km2, một đồng trảng rất lớn, bằng phẳng bao bọc xung quanh hầu hết là rừng, phần nhiều là rừng già có một số ít rừng chồi. Trảng Lớn nằm về hướng Tây, Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, cách Thị xã Tây Ninh gần 2km, nằm giữa 2 con đường quốc lộ 22 và trục lộ 13 (nay là tỉnh lộ 787). Trảng Lớn vừa tiếp giáp Thị xã, vừa tiếp giáp vùng căn cứ địa cách mạng, cách biên giới Campuchia khoảng 15km theo đường chim bay.
Chính vì vị trí và tính chất khá đặc biệt đó, đế quốc Mỹ đã quyết định chọn Trảng Lớn để xây dựng thành một cứ điểm quân sự loại lớn, vừa là căn cứ hậu cần cho nhiều căn cứ khác như Đồng Pan, Mỏ Công, Thiện Ngôn, Sa Mát. Vừa là căn cứ chỉ huy tiền phương làm bàn đạp mở các cuộc tiến công triệt phá các căn cứ cách mạng, tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng miền Nam, đánh phá biên giới Việt Nam – Campuchia, làm mất lưng dựa của cách mạng miền Nam, càn quét lực lượng cách mạng Campuchia, bảo vệ cơ quan đầu não của chúng ở Tây Ninh và Sài Gòn.
Tháng 10/1965 đế quốc Mỹ đưa lữ đoàn bộ binh 196 sư 25 Mỹ đóng chốt, lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Trảng Lớn. Lực lượng đóng chốt tại căn cứ còn có thủy quân lục chiến, biệt động quân, bảo an quân dù các sư đoàn 5; 18; 21; 13; 25 (thuộc phân đoàn III thay phiên có mặt). Ngoài lực lượng Mỹ đóng chốt còn có lực lượng Ngụy đóng 68 đồn bót và 2 căn cứ biệt kích Mỹ ở Tua Hai và Bến Sỏi, 35 khu ấp chiến lược, 10 ban tề xã, dân vệ, bảo an, bình định, thám báo tỉnh, quận chung quanh khu vực Trảng Lớn.
Căn cứ quân sự của Mỹ ở Trảng Lớn được xây dựng rất kiên cố, bao quanh bởi 5 lớp rào kẽm gai, với hàng chục ngàn trái mìn các loại được chôn cài, trang bị cả hệ thống thiết bị điện tử tối tân quan sát, đài ra đa, đèn điện, cùng hệ thống lô cốt, công sự và hầm ngầm chiến đấu rất quy mô. Bên trong căn cứ, Mỹ xây dựng một sân bay dã chiến để trực thăng máy bay vận tải quân sự C130 có thể lên xuống dễ dàng chở nguyên vật liệu.
Để bảo vệ căn cứ từ xa, Mỹ cho công binh Philippin dùng xe tải ủi phá sạch và dùng máy bay thả bom xăng, phun xăng bột, rải chất độc làm rụng lá cây, đốt phá hàng chục ngàn hecta rừng già Thanh Điền từ bờ sông Vàm Cỏ Đông tới quốc lộ 22 thành một vùng trắng.
Trước mưu đồ mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Tỉnh ủy Tây Ninh chủ trương thành lập ngay Vành đai diệt Mỹ ở Trảng Lớn và đề ra nghị quyết đánh Mỹ.
Tháng 9/1965 đồng chí Võ Văn Tới, Tỉnh đội trưởng tỉnh Tây Ninh được Tỉnh ủy cử về huyện Châu Thành triển khai chủ trương, bàn phương án thành lập “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”. Thành lập ngay Ban chỉ huy thống nhất “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”. Hình thành thế trận Vành đai bao vây, lập các hàng rào chiến đấu liên hoàn từ Sa Nghe qua Bàu Sen – Xóm Trường – Hòa Hội – Cây Da đến Ninh Điền – Thanh Điền, xây dựng bãi chông, trái gài, vùng tử địa,..các binh công xưởng của huyện tập trung làm mìn chống tăng, trái gài, lựu đạn ném, lựu đạn phóng để phục vụ Vành đai. Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn hình thành 4 cụm chiến đấu tạo thành thế liên hoàn bao vây căn cứ Trảng Lớn. Xác định vị trí trung tâm là khu tam giác: Thanh Điền – Thái Bình A – Trí Bình.
Huyện ủy quyết định thành lập trung đội nữ Pháo binh B12 do đồng chí Tô Thị Hoa làm trung đội trưởng để khống chế quân Mỹ ở Trảng Lớn.
Có đến hàng ngàn trận đánh Mỹ trên Vành đai Trảng Lớn. Trong đó có những trận lớn như trận Sa Nghe, Suối Ông Đình, Bàu Sen,… ở cụm III; Ở cụm IV có trận Bắc Rù, Gò Nổi (Ninh Điền) khi địch vượt sông Vàm Cỏ Đông định phá vỡ vành đai ngoài của cụm III,.. Ở cụm II có trận Vườn Mít (Hảo Đước) ta đánh Mỹ bằng thế trận liên hoàn với những bãi trái, hầm  chông được bố trí dày đặc. Ngoài ra còn có hàng trăm trận phối hợp hoặc dẫn đường cho các đơn vị đặc công, pháo binh Miền tấn công và bắn pháo vào căn cứ Trảng Lớn bằng cối 81, tên lửa ĐKB và H12, diệt hàng trăm máy bay, các phương tiện chiến tranh của Mỹ cùng hàng ngàn tên Mỹ ngụy.
Đặc biệt qua cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn bị quân dân Châu Thành khép chặt lại. Đến năm 1972 Mỹ rút dần quân Mỹ khỏi căn cứ Trảng Lớn và giao lại cho ngụy.
Với 2250 ngày tại Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn quân dân và Đảng bộ Châu Thành đã lập được thành tích vẻ vang: 3825 trận đánh Mỹ ngụy và bình định. Những thắng lợi lớn trên Vành đai Trảng Lớn đã góp phần cùng toàn tỉnh, cả nước làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Địa điểm lưu niệm Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 136/QĐ-CT, ngày 27/09/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh tây Ninh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜ THAM QUAN

Bảo tàng tỉnh đang trong giai đoạn sửa chữa
nên không mở cửa. Mong quý khách thông cảm

Thống kê
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay767
  • Tháng hiện tại14,559
  • Tổng lượt truy cập106,893
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi