Di tích Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ (Pôn pốt - Iêngsari )

Thứ ba - 21/05/2024 14:29

Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ

Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ
Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ tọa lạc tại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nằm về hướng Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, cách Thị xã Tây Ninh 38km ( nay là thành phố Tây Ninh) , cách thị trấn Tân Biên 9km theo hướng Quốc lộ 22B. Khu chứng tích tội ác quân Khmer đỏ đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 265/QĐ-CT ngày 27/12/2001 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Bia chứng tích tội ác của quân Khmer đỏ (Pôn pốt - Iêngsari)
Giếng nước nơi các thầy, cô giáo bị ném xuống
 
Vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 25/9/1977, đúng vào dịp toàn dân Việt Nam chuẩn bị Tết Trung Thu, tập đoàn Pôn pốt - Iêngsari mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam tổ quốc ta, chỉ riêng Tây Ninh, chúng đã tiến công trên một đoạn biên giới dài hơn 200km, sâu vào nội địa tỉnh nhà 6km, trong phạm vi 7 xã thuộc 3 huyện Tân Biên, Châu Thành và Bến Cầu.
Chúng đốt phá nhà cửa, trường học, cướp của, tàn sát đồng bào ta rất dã man. Trong đó, xã Tân Lập, huyện Tân Biên là nơi chúng tập trung đánh phá nặng nề và ác liệt nhất.
Chúng tổ chức thành 9 mũi lén lút bao vây tấn công nhiều điểm thuộc 5 ấp: Tân Khai, Tân Chánh, Tân Thạnh, Bảy Bàu và Chằng Riệc của xã Tân Lập. Chúng chia một lực lượng để bao vây, khống chế các đồn biên phòng, các chốt và vị trí quân sự của ta. Đại bộ phận còn lại tràn vào làng tàn sát đồng bào xã Tân Lập.
Phương tiện sử dụng của chúng bao gồm các loại vũ khí từ đao, búa, chỉa đến các loại súng, lựu đạn,…Hoạt động của chúng vô cùng man rợ như: chặt đầu, chặt tay chân, chặt người ra nhiều khúc, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, đập đầu hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng phụ nữ có thai, cắt cổ lấy tiết, rạch miệng, ném xác người xuống giếng, chôn sống, tàn sát tập thể nhiều gia đình, nhiều hầm trú ẩn,..
Cùng với việc giết người, Pôn pốt – Iêngsari thực hiện khẩu hiệu đốt sạch và phá sạch. Đi đến đâu là cướp giật lúa gạo, tài sản, đốt phá nhà cửa, đào hầm công sự, chiếm cứ đất đai, chỉ trong 3 ngày đêm xã Tân Lập đã hoang tàn đổ nát, không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, chỉ riêng tại 5 ấp của xã Tân Lập đã có 592 người bị sát hại. Nhiều phụ nữ, trẻ em bị giết ngay trên giường ngủ, bị đốt cháy trong nhà, có hầm trú ẩn bị giết tới 26 người tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Lập.
Trong số những người bị tàn sát có cả 11 thầy cô giáo trường phổ thông cấp 1 xã Tân Lập, trong đó có 7 cô giáo và 4 thầy giáo hầu hết  ở lứa tuổi 19, đôi mươi quê quán ở Hòa Thành (Tây Ninh) tình nguyện dạy học ở xã biên giới đã hơn 1 năm được sự phân công của phòng giáo dục Tân Biên ở lại chuẩn bị Tết Trung Thu cho các em học sinh, tất cả đều bị giết chết, trong đó có 7 thầy cô bị ném xác xuống giếng cạnh trường.
Cùng với tội ác giết người, Pôn pốt còn phá hủy của nhân dân xã Tân Lập 210 cái nhà, cướp đi 31 con trâu bò, cướp giật nhiều tài sản khác, làm cho gần 8.000 người còn lại lâm vào cảnh khó khăn vất vả, không còn nơi nương tựa phải rời bỏ quê hương,..
Hậu quả do quân Khơme đỏ đã để lại cho nhân dân xã Tân Lập rất nặng nề. Hai năm liền (1978-1979) nhân dân xã Tân Lập bị đói, đất bỏ hoang không sản xuất được, trẻ em không có trường học, các cơ sở vật chất một số được phục hồi, có nơi bỏ luôn không xây dựng được.
Với lòng thiết tha của các vị cao niên, của nhân dân, của các ban ngành, đoàn thể địa phương, cùng với sự quyết tâm cao của ngành Văn hóa Thông tin, ( nay là ngành văn hóa, thể thao và du lịch)  đặc biệt được sự ủng hộ về mặt tinh thần của Tỉnh ủy – Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, ngành Văn hóa Thông tin đã tổ chức xây dựng Bia chứng tích tội ác quân Khơme đỏ trên nền Trường phổ thông cấp I Tân Lập. Nơi 11 thầy cô giáo bị sát hại đêm 24 rạng 25/9/1977. Bia chứng tích tội ác được bắt đầu xây dựng vào tháng 12/1998, đã hoàn thành và tổ chức khánh thành vào ngày 3/4/2000 gồm các hạng mục công trình như: vòng rào bảo vệ, bia chứng tích, giếng di tích, sân nền, trồng cây xanh.
 Khu chứng tích tội ác quân Khơme đỏ được quy hoạch 1625m2 (32.5 x 50m) xưa là nền Trường học phổ thông cấp I Tân Lập. Ngày nay là đất của Nông trường Sa Mát thuộc Công ty cao su Tân Biên.

 

Tác giả: Bảo Tàng Quản trị

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜ THAM QUAN

Bảo tàng tỉnh đang trong giai đoạn sửa chữa
nên không mở cửa. Mong quý khách thông cảm

Thống kê
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay768
  • Tháng hiện tại14,560
  • Tổng lượt truy cập106,894
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi