Di tích Căn cứ Bộ đội Hải ngoại số 1 – SiVôTha
Bảo Tàng Quản trị
2024-05-15T15:27:18+07:00
2024-05-15T15:27:18+07:00
https://baotang.tayninh.gov.vn/vi/news/di-san-van-hoa-vat-the/di-tich-can-cu-bo-doi-hai-ngoai-so-1-sivotha-91.html
https://baotang.tayninh.gov.vn/uploads/news/2024_05/sivotha7.jpg
BẢO TÀNG TÂY NINH
https://baotang.tayninh.gov.vn/uploads/logo-btt_108_108.png
Thứ tư - 15/05/2024 15:18
Căn cứ Bộ đội Hải ngoại số 1 – SiVôTha, tọa lạc tại ấp Lưu Văn Vẳng, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số: 138/QĐ- CT, ngày 29/9/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Ngày 10/8/1946, đồng chí Trần Văn Giàu nguyên Bí thư Xứ ủy kiêm chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam bộ và là đặc phái viên Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thay mặt Bộ Tư lệnh Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam bộ công bố quyết định thành lập Bộ đội Độc lập số 1 tại chiến khu 4 ở Tà Om, biên giới tỉnh Battambang nước Xiêm (nay là Thái Lan) và lệnh đơn vị chuyển về nước tham gia cuộc kháng chiến Nam bộ, do đồng chí Huỳnh Văn Vàng (tức là Dương Tấn) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Ngô Thất Sơn làm chỉ huy phó, đồng chí Đặng Văn Duyệt làm chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ.
Khi Bộ đội Độc lập số 1 về đến Nam bộ, tháng 10/1946 đổi tên là Bộ đội Hải ngoại số 1 Nam bộ khu 7, rút đồng chí Huỳnh Văn Vàng về công tác ở khu đặc Sài Gòn – Gia Định và chỉ định đồng chí Ngô Thất Sơn làm chỉ huy trưởng Bộ đội Hải ngoại số 1.
Theo đề nghị của Ban lãnh đạo Tây Ninh, Quân khu 7 cho Bộ đội Hải ngoại số 1 lập căn cứ đứng chân tại Tây Ninh để giúp và phối hợp với Quân đội Tây Ninh để bảo vệ vùng biên giới từ Tây Ninh đến khu Đông Thành và bảo vệ nội địa Tây Ninh.
Đồng chí Dương Minh Châu, Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh kháng chiến Tây Ninh, cùng các đồng chí Thuần phó chủ tịch Uỷ ban Hành chánh kháng chiến Tây Ninh và đồng chí Ngô Thất Sơn đi khảo sát địa bàn và thống nhất chọn khu rừng Cây Cầy (Nay thuộc ấp Lưu Văn Vẳng, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành) làm căn cứ cho Bộ đội Hải ngoại số 1 từ tháng 10/1946 đến đầu năm 1951, sau đó chuyển hẳn lên chiến trường Campuchia.
Tháng 10/1948 Bộ đội Hải ngoại số 1 được chấn chỉnh và tăng cường sang giúp cách mạng Campuchia với tên mới là Bộ đội SiVôTha, do đồng chí Ngô Thất Sơn làm chỉ huy trưởng, đồng chí Trần Văn Đẩu làm chỉ huy phó và đồng chí Trịnh Xuân Đức làm chính trị viên kiêm Bí thư Quận ủy Đông bắc Campuchia.
Ngày 2/9/1949, Pháp mở cuộc càn vào căn cứ, đồng chí Ngô Thất Sơn đang họp với Tỉnh ủy Tây Ninh tại căn cứ Khăn Xiêng ở Tà Éc thì Pháp đổ quân nhiều mặt (Cả trên bộ và dưới sông) đánh vào căn cứ Tà Nòn - Băng Dung. Đồng chí Sơn xin phép về chỉ huy chống càn, đồng chí cùng với người thư ký (Người Campuchia) và hai bảo vệ vượt sông về gần tới căn cứ, chẳng may đồng chí lọt vào vòng vây của địch. Chúng đưa đồng chí đi nhiều nhà tù, tìm mọi cách cám dỗ, mua chuộc nhưng không được, chúng lén thủ tiêu đồng chí ở giữa cánh đồng Đức Hòa, tỉnh Long An, cùng với đồng chí Huỳnh Bá Nhung nguyên Trưởng ty Y tế Gia Định.
Sau khi đồng chí Ngô Thất Sơn bị bắt, tháng 9/1949 trên chỉ định đồng chí Huỳnh Văn Vàng trở lại làm chỉ huy trưởng Bộ đội SiVôTha khu Đông Bắc Campuchia.
Năm 1951, thực hiện chủ trương hợp nhất khu Đông Bắc và Đông Nam thành miền Đông Campuchia, các lực lượng của Bộ đội SiVôTha được chọn và điều động để sắp xếp bộ máy của các tỉnh Kompongcham, Svay-Riêng, Pray-Veng và bộ máy cơ quan miền Đông thành những đơn vị mới của tình nguyện quân Việt Nam miền Đông Campuchia. Đến tháng 4/1951 việc sắp xếp theo tổ chức đã được ổn định, Bộ đội SiVôTha Đông Bắc Campuchia không còn nữa đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Đến cuối năm 1954 tập kết ra miền Bắc, các đơn vị tình nguyện quân ở Campuchia lại hòa hợp với các sư đoàn của Nam bộ.
Suốt 5 năm (Từ cuối năm1946 đến năm 1951) Bộ đội SiVôTha đều đứng chân ở rừng Cây Cầy, đây là địa bàn do lãnh đạo tỉnh Tây Ninh giao cho Bộ đội Hải ngoại số 1 phụ trách hoạt động xây dựng cơ sở. Nơi đây không chỉ là hậu cứ của Ban chỉ huy đơn vị mà còn là nơi học tập, huấn luyện của các đội võ trang công tác độc lập.
Đơn vị xây dựng được nhiều căn cứ kháng chiến liên hoàn dọc theo biên giới tạo thành lá chắn an toàn phía sau lưng các căn cứ chiến lược của Tây Ninh và Trung ương Cục miền Nam, đã góp phần công sức đáng kể cho Tây Ninh và miền Đông Nam bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và còn ảnh hưởng rất tích cực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
Quá trình hình thành, ra đời chiến đấu và trưởng thành Bộ đội Hải ngoại số 1 - SiVôTha thể hiện rõ tinh thần yêu nước của kiều bào Thái Lan, Lào, Campuchia, dù ở bất cứ nơi nào cũng hướng về tổ quốc. Khi nghe tổ quốc lâm nguy đã quyên góp tiền, vàng mua sắm, trang bị vũ khí, tổ chức huấn luyện con em của mình đưa về nước tham gia cứu quốc. Đây là nguồn bổ sung dồi dào về nhân lực, tài lực, vật lực cho bộ đội ta trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Trong nghĩa vụ giúp bạn, Bộ đội Hải ngoại đã thực sự kề vai sát cánh với nhân dân Campuchia với một quan điểm đoàn kết quốc tế đúng đắng, trong sáng Bộ đội Hải ngoại đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai dân tộc, xây dựng một vùng biên giới Việt Nam – Campuchia thành một biên giới hữu nghị đoàn kết, xây dựng phong trào cách mạng lớn mạnh ở Campuchia. Đặc biệt là xây dựng 1 đảng Nhân dân Campuchia tương đối vững mạnh.
Với công tác võ trang tuyên truyền Bộ đội Hải ngoại đóng góp đáng kể vào thành quả cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến, biết dựa vào dân, biết phối kết hợp, vận động, giáo dục, thuyết phục bằng nhiều biện pháp, với mạnh dạng mưu trí, sáng tạo và bất ngờ trong chiến đấu đã thu hút đông đảo quấn chúng, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, xây dựng cơ sở cách mạng sâu rộng ở vùng biên giới và trên đất bạn trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.