BẢO TÀNG TÂY NINHhttps://baotang.tayninh.gov.vn/uploads/logo-btt_108_108.png
Thứ ba - 21/05/2024 10:28
Đinh Cẩm An
Đình Cẩm An tọa lạc tại ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 178/QĐ-CT, ngày 11/8/2004 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Theo các vị trong Ban quý tế và nhân dân trong vùng xã Cẩm Giang – bài văn tế thần đình. Vị thần chính được thờ là ông Huỳnh Công Đức.
Huỳnh Công Đức sinh ngày 14/1/1748 tại Giồng Cái Én, làng Trường Khánh, tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường. Ông xuất thân trong gia đình đều là võ quan dưới triều Hậu Lê. Năm 1782, quân Nguyễn Huệ đánh vào Gia Định thành. Nguyễn Ánh thất bại nặng nề chỉ còn Huỳnh Công Đức theo bảo giá thoát khỏi vòng vây. Kể từ đây Huỳnh Công Đức được đổi thành Nguyễn Huỳnh Đức và được Nguyễn Ánh xem như người trong thân tộc.
Năm 1791, Nguyễn Huỳnh Đức được gia phong Chưởng hữu Bình Tây phó tướng quân.
Năm 1796, Nguyễn Ánh thăng Nguyễn Huỳnh Đức lên khâm sai Chưởng hữu Bình Tây tướng quân.
Năm 1802, Nguyễn Huỳnh Đức được phong tước Đức Quận Công.
Năm Gia Long thứ 11 (1812) Nguyễn Huỳnh Đức xin về nghỉ hưu tại Gia Định. Năm sau, vua Gia Long sai ông làm Tổng trấn Gia Định thành và Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn.
Năm 1817, ông xin về quê nhà an nghỉ tại làng Tường Khánh. Ngày 9/9/1819 ông mất thọ 72 tuổi.
Đình Cẩm An khi xưa là một ngôi miếu nhỏ nằm tại Láng Cát bìa ấp Cẩm An. Đến năm 1905, nhân dân trong làng họp bàn thống nhất di dời ngôi đình về địa điểm hiện nay.
Đình Cẩm An được xây dựng và tồn tại đến nay có trên 100 năm, đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng đình vẫn còn giữ được lối kiến trúc thuở ban đầu. Cổng đình xây kiểu tam quan, trước mặt ở giữa sân đình là tấm bình phong thờ thần Hổ, sau bức bình phong là bàn thờ thần Nông, bên tả là miếu thờ bà chúa Xứ, bên hữu là miếu thờ Ngũ Hành. Bố cục của đình có lối chữ Tam, gồm võ ca, chính đình và hậu đình.
Đình Cẩm An mang dáng đặc trưng của đình làng Nam bộ, còn giữ được lối kiến trúc cổ xưa.