Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban An ninh Tây Ninh (nay là Công an tỉnh Tây Ninh) xây dựng căn cứ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, trong đó có địa bàn Bàu Rong, (nay thuộc xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Căn cứ này đã đi vào lịch sử của Công an tỉnh, nơi chứng kiến gánh chịu hậu quả nặng nề của bom đạn Mỹ, đánh phá gây thiệt hại to lớn cho lực lượng Công an Tây Ninh tại khu căn cứ Bàu Rong.
Đầu năm 1961, Đảng ra chủ trương xây dựng Ngành An ninh các cấp. Vào thời điểm này, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho căn cứ, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Ban An ninh miền và của Tỉnh ủy. Tháng 5/1961 Ban An ninh Tây Ninh được thành lập tại khu căn cứ địa Bời Lời. Các đơn vị nghiệp vụ của Ban An ninh tỉnh, Ban An ninh các huyện, thị và các xã cũng được thành lập.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban An ninh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn, từ vùng căn cứ đến vùng tranh chấp, từ vùng tạm chiếm đến Thị trấn, đâu đâu cũng có cán bộ chiến sĩ An ninh bám trụ, bám địa bàn, vận động nhân dân đấu tranh chính trị, diệt ác phá kiềm, phá ấp chiến lược, đánh vào đồn bót, trụ sở trọng điểm của địch, đánh những đòn bất ngờ, diệt ác ngay trong lòng địch, trong lòng thị xã đã làm thất bại nhiều hoạt động do thám, gián điệp của địch, đánh vào căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, vùng tranh chấp, bảo vệ đồng bào, bảo vệ căn cứ.
Từ chủ trương trên Đảng bộ Tây Ninh xây dựng lực lượng Ban An ninh trên địa bàn hoạt động của mình, cùng với đà phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Ban An ninh ngày càng hoàn thiện về tổ chức, trưởng thành về năng lực quản lý, chỉ huy.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban An ninh Tây Ninh đã chọn nhiều địa bàn chiến lược để xây dựng căn cứ, chỉ đạo toàn lực lượng đấu tranh chống kẻ thù. Căn cứ được xây dựng nhiều nơi như: Bời Lời, Dương Minh Châu, Bàu Rong…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961-1975) căn cứ Bàu Rong giữ một vị trí quan trọng đối với địa bàn huyện Bến Cầu mà kẻ thù tìm mọi cách đánh phá, tiêu diệt, nhưng lực lượng Ban An ninh biết dựa vào ý Đảng, lòng dân đánh trả quyết liệt và bẻ gãy nhiều cuộc càn của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề, giữ vững địa bàn và bảo vệ toàn căn cứ.
Trong những năm (1961-1965) Ban An ninh cùng lực lượng vũ trang tỉnh đã diệt được 164 tên, điển hình là đánh bị thương tên Đào Đình Tứ, trưởng Ty công an Ngụy, bắt sống 547 tên tình báo, gián điệp, đã cải tạo 299 tên, cảnh cáo và hạ uy thế trước quần chúng 459 tên gián điệp, do thám…
Lực lượng Ban An ninh Tây Ninh vẫn kiên cường bám trụ địa bàn, góp phần đáng kể cho địa phương trong việc bảo vệ “Vành đai diệt Mỹ ở Trảng Lớn”, “Quyết tử giữ Gò Dầu lần thứ nhất”.
Trong thời kỳ chiến tranh cục bộ (1965-1968) Mỹ Ngụy tăng cường chiến tranh với quy mô lớn, hết sức khốc liệt. Lực lượng công an Tây Ninh vẫn kiên cường bám trụ địa bàn trọng điểm, xây dựng được nhiều mạng lưới cơ sở, đẩy mạnh công tác phá tề, luồn sâu vào lòng địch, góp phần đáng kể cho địa phương “Quyết tử giữ Gò Dầu lần thứ hai”. Đặc biệt là tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu thân năm 1968, Ban An ninh tỉnh góp phần cùng các lực lượng tạo nên những chiến thắng vẻ vang.
Ban An ninh Tây Ninh đã tiêu diệt 4188 tên, bắt sống 48 tên, bắn cháy 352 xe tăng, thiết giáp, bắn rơi 90 máy bay các loại và tịch thu 16 khẩu pháo.
Giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” (1965-1968) Ban An ninh tỉnh đã giết chết 1036 tên, bắt sống 346 tên, bắn bị thương 269 tên, phá hủy 9 đồn và công sở tề, thu 23 súng, 1 xe Honda, 1 xe du lịch, bắn rơi 2 máy bay và phá hủy 14 xe quân sự.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an Tây Ninh đã đánh chiếm các trụ sở đầu não của Ngụy quyền, các trụ sở tình báo của địch cùng các lực lượng vũ trang đập tan bộ máy chiến tranh và bộ máy kìm kẹp của Mỹ - Ngụy, góp phần xây dựng công cuộc giải phóng toàn tỉnh nhà.
Trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta, diễn biến trên địa bàn huyện Bến Cầu có nhiều thay đổi nhưng địa danh “Căn cứ Bàu Rong” vẫn tồn tại gần nửa thế kỷ. Giờ đây nơi đây của một thời lưu niệm đang được hồi sinh, địa danh căn cứ Bàu Rong, với nội dung lịch sử và bài học kinh nghiệm của nó, không hề làm mất đi mà tồn tại mãi mãi. Đã góp phần hữu ích vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.