BẢO TÀNG TÂY NINHhttps://baotang.tayninh.gov.vn/uploads/logo-btt_108_108.png
Thứ ba - 21/05/2024 09:28
Di tích căn cứ Thanh niên cách mạng Rừng Rong tọa lạc xóm Bàu Mây, ấp An Đước, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. ( nay là phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng ) Cách thị trấn Trảng Bàng 5km theo hướng đi thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây hơn nửa thế kỷ trước, Lực lượng Thanh niên tiền phong xã An Tịnh đã xây dựng căn cứ kháng chiến.
Ngày 30/2/1946, với 27 người làm nòng cốt, Lực lượng Thanh niên tiền phong tổ chức họp mặt tại Rừng Rong, mời đông đảo nhân dân địa phương tham dự để thành lập Đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng. Và tổ chức Hội thề với lễ tuyên thệ: Ra đi kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Dưới Quốc kỳ, mọi người trang nghiêm đọc lời thề.
1- Độc lập hay là chết! Xin thề!
2- Chết tự do hơn sống nô lệ! Xin thề!
3- Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu! Xin thề!
4- Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu! Xin thề!
5- Ai phản bội, đầu hàng phải bị xử tử! Xin thề!
Từ chiến khu, từ Hội thề thiêng liêng đó, lực lượng thanh niên Trảng Bàng đã hồ hởi ra đi chiến đấu, lập công vẻ vang qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng từ đó, ngày hội thề tại Rừng Rong là ngày truyền thống của Thanh niên cách mạng Trảng Bàng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng được biên chế thành hai tiểu đội, được trang bị đầy đủ vũ khí; phối hợp với chi đội 12; hoạt động võ trang công khai đánh Pháp và thanh trừng việt gian, hỗ trợ cho phong trào du kích chiến đấu ở địa phương.
Lực lượng võ trang gồm 19 đồng chí:
Trần Văn Chói.
Nguyễn Thanh Hạ.
Nguyễn Thanh Tùng.
Trần Bạch Đằng.
Nguyễn Thới Bưng.
Phạm Văn Sang.
Nguyễn Văn Bung.
Trần Kinh Nhi.
Biện Học Tập.
Nguyễn Thanh Bá.
Huỳnh Duy Ngươn.
Nguyễn Văn Ê.
Lâm Quang Vinh.
Bùi Thanh Vân.
Bùi Văn Giám.
Trần Thanh Đãi.
Hoàng Bưởi.
Hồ Văn Nhớ.
Nguyễn Văn Trạo.
Một bộ phận ở lại hoạt động bán công khai để xây dựng cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng và làm công tác binh vận, gồm 8 đồng chí:
Trần Bá Dên.
Trần Bá Liêm.
Trần Bá Diệp.
Trương Tùng Quân.
Trần Thị Đẹp.
Tô VănRi.
Trần Thị Đường.
Hồ Văn Sanh.
Đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng là đơn vị võ trang đầu tiên của huyện; sau đó phát triển thành Đội giải phóng quân huyện Trảng Bàng và trở thành đại đội 2794 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang phiên hiệu C54. Quân dân Trảng Bàng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những kỳ tích chiến thắng lẫy lừng ở vùng căn cứ địa, vùng Tam giác sắt Bời Lời và liên tiếp tổ chức hàng loạt trận đánh như: đánh bót ở Sở Ba Lan, Suối Cụt, Bến Mương; Chống càn ở Tân Phú Trung (Hóc Môn); chống càn ở Bàu Chứa…
Kế tục sự nghiệp vẻ vang của Thanh niên Rừng Rong, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, tiểu đoàn 14 được thành lập tại Bời Lời và trở thành đơn vị chủ lực của Tỉnh.
Đầu năm 1965, những thế hệ nối tiếp thanh niên Rừng Rong đã đào địa đạo chiến đấu An Thới, một cánh cửa thép bảo vệ căn cứ địa Tam giác sắt Bời Lời.
Hội thề của thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại Rừng Rong là một biểu tượng của ý chí khát vọng độc lập tự do.
Ngày nay, khu đất được khoanh vùng làm trung tâm di tích chính là nơi đội thanh niên giải phóng Trảng Bàng đã dùng làm nơi Hội thề năm xưa. Xung quanh khu di tích là vòng rào, bên trong được xây dựng các công trình, hạng mục như: sân lễ; khu vực tượng đài, nhà bia tưởng niệm... Đây là nơi làm lễ dâng hương tưởng niệm và họp mắt truyền thống Thanh niên cách mạng Rừng Rong hàng năm.
Căn cứ Rừng Rong là biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng quân thù, của tinh thần cách mạng tiến công, của tinh thần đoàn kết quân dân. Tiếng súng Nam bộ kháng chiến là tiếng súng lệnh được phát đi mà âm vang đã kích thích lớp lớp người dân đứng lên kháng chiến.
Với ý nghĩa lịch sử ấy di tích Thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại Rừng Rong đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 51/2001/QĐ-BVHTT ngày 27/12/2001.