BẢO TÀNG TÂY NINHhttps://baotang.tayninh.gov.vn/uploads/logo-btt_108_108.png
Thứ ba - 14/05/2024 10:07
Di tích khảo cổ gò Cổ Lâm, tọa lạc ấp Thanh Đông, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, được Bộ văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử - văn hóa khảo cổ học tại quyết định số 3211/QĐ-BT ngày 12 tháng 12 năm 1994.
Gò Cổ Lâm là 01 di chỉ có qui mô lớn nhất trong số 11 di chỉ khảo cổ đã được phát hiện trong xã Thanh Điền. Đầu năm 1990 được Bộ Văn hóa và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho phép, khai quật di tích Gò Cổ Lâm được tiến hành với sự kết hợp giữa cán bộ nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và cán bộ Bảo tàng tỉnh Tây Ninh, có sự tham gia của hai chuyên gia khảo cổ thuộc viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô.
Khai quật từ ngày 27/2 đến 7/4/1990 cán bộ nghiên cứu đã sử dụng phương pháp lần theo dấu vết của các kiến trúc để tái dựng lại toàn bộ bình diện của di tích (không kể phần trung tâm của gò đã bị ngôi chùa chiếm chỗ) bên hông chùa dọc theo rìa gò phía Tây đã xuất lộ 06 phế tích kiến trúc tháp bằng gạch cổ, trong đó có 5 kiến trúc có dạng gần giống như tháp nhỏ, kiến trúc thứ 6 nằm ở phía Bắc gò, phần xây dựng bên trên khác 5 kiến trúc kia, tất cả kiến trúc cổ được xây dựng bằng những gạch có kích thước trung bình (32 x 16 x 7cm ). Ngoài 5 phế tích kiến trúc tháp gạch đã phát hiện còn tìm thấy nhiều hiện vật liên quan gắn liền với di tích gồm: Yoni, Linga, Mukhai linga, thân tượng, đế tượng, đầu tượng, chày đá và nhiều mảnh vỡ của tượng bằng đá…Phía chính đông gò Cổ Lâm là bàu nước vuông rộng có diện tích 240m x 180m, có đường nhỏ hẹp dẫn vào di tích gò Cổ Lâm dài 65m .
- Chùa Cổ Lâm là cơ sở hoạt động cách mạng của quân dân xã Thanh Điền, là vị trí đóng quân của C40 và du kích xã, cuối năm 1963 đầu năm 1964 lực lượng C40 và du kích xã Thanh Điền tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch. Năm 1967 – 1968 nơi đây là điểm triển khai kế hoạch giải phóng bót Ôcônen và chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân. Thanh Điền là 1 trong 3 xã của huyện Châu Thành được nhà nước phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Gò Cổ Lâm là địa điểm nơi diễn ra diễn ra nhiều sự kiện lịch sử Cách mạng, nhưng vấn đề quan tâm nhất là những chứng tích liên quan đến các kiến trúc cổ nền văn hóa Óc Eo. - Toàn bộ Gò Cổ Lâm có diện tích : + Chiều Đông, Tây = 88 m + Chiều Bắc, Nam =58m =5104m2 gò hình bầu dục, gần tròn đỉnh gò cao hơn mặt ruộng khoảng 3m. - Ngôi Chùa xây cất lên tháp, mặt phía Tây là 6 ngôi tháp nhỏ đã được khai quật làm xuất lộ chân tháp được ký hiệu H1, H2, H3, H4, H5, riêng Tháp (H1) ở vị trí phía Bắc có cấu tạo kiến trúc lớn hơn. - Năm tháp này có hình dáng và kiến trúc giống nhau (H1, H2, H3, H4, H5) được xây cùng một loại gạch (32 x 16 x 7 cm), cửa ra vào tháp xây chính đông. Căn cứ vào những dữ liệu thu được trong khai quật và so sánh với một số công trình kiến trúc cổ trong vùng Nam Bộ, các nhà khảo cổ đã xác định niên đại các di tích gạch gò Cổ Lâm vào khoảng thế kỷ thứ VIII sau công nguyên. Ngành Văn hóa thông tin Tây đã tổ chức tôn tạo lại gò Cổ Lâm. Ngoài việc giữ nguyên cảnh quan của gò với nhiều cây cổ thụ, đã tổ chức trưng bày “mở” tại di tích để giới thiệu về một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa nghệ thuật, lịch sử cách nay 12 thế kỷ di tích gò Cổ Lâm, giúp cho công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.