Trên khuôn viên rộng 10.000m2, xung quanh có nhiều cây dầu cổ thụ. Kiến trúc đình theo hình chữ Tam, mặt chính quay về hướng Tây nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông. Diện tích xây dựng 820m2 gồm có tiền đình, chánh đình và hậu đình, có khu sân đình nối liền với nhà (sân khấu) hát bộ. Đình được xây dựng bằng chất liệu bền vững, tường gạch, cột bê tông, mái lợp ngói.
Đình Thanh Phước được xây dựng trong thời kì sau Bình Tịnh (An Tịnh), Phước Lộc (Gia Lộc), An Hòa kế đến Gia Bình… Cư dân trên vùng đất này tiếp tục phát triển khai hoang, lập ấp đến vùng đất Thanh Phước ngày nay. Thời bấy giờ trung tâm Thanh Phước nằm cả hai bên tả và hữu sông Vàm Cỏ Đông trên các gò đất cao có nhiều cây dầu – về sau có tên gọi là Gò Dầu Thượng (khu vực xã An Thạnh, huyện Bến Cầu), Gò Dầu Hạ thuộc xã Thanh Phước. Năm 1963, chính quyền cách mạng tách xã Thanh Phước ra một phần thành lập thị trấn Gò Dầu. Do vậy tên đình Thanh Phước ngày nay nằm trên đất thị trấn Gò Dầu.
Theo các bô lão – Ban Hội đình Thanh Phước cho biết, từ xa xưa linh thần đã được thờ tại miếu, rồi đến đình ở cặp sông Vàm Cỏ Đông, lâu ngày bị sụp lở, nên nhân dân di dời lên xây cất ở vị trí ngày nay.
Linh thần húy Đặng Văn Châu (có người nói Huỳnh Thanh Phương). Ngài là người trung can nghĩa khí, đã cùng nhân dân địa phương và nghĩa binh lập căn cứ chống thực dân Pháp từ thời vua Tự Đức tại Xoài Đồn (xóm Xoài Đồn) gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Trong một trận ông bị giặc Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Khi được trả lại tự do, ông trở về tiếp tục cùng nhân dân vùng này lập lại căn cứ kháng Pháp và khai khẩn đất đai, tích trữ lương thực để chiến đấu lâu dài.
Khi ông qua đời, nhân dân lập miếu thờ, về sau dựng đình để thờ ghi nhớ công ơn - được nhà vua sắc phong Thành hoàng bổn cảnh (sắc phong bị thất lạc do chiến tranh).
Đình Thanh Phước đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 177/QĐ-CT ngày 11/8/2004 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.