Ông Trần Văn Thiện: sinh năm 1795 tại làng Trung Lập, phủ Bình Long, tỉnh Gia Định. Năm Thiệu Trị thứ năm (1841) ông xin thôi giữ chức thôn trưởng và cùng thân sinh là cụ Trần Văn Quế đệ đơn lên quan phủ Tây Ninh xin di dân từ vùng Trung Lập –Củ Chi lên khai khẩn vùng đất Bến Cầu lập được bốn thôn: Long Chữ, Long Giang, Long Khánh và Long Thuận (thuộc huyện Bến Cầu - Tây Ninh ngày nay), sau khai khẩn thêm vùng đất Long Thành gồm 3 xã Long Thành Bắc, Long Thành Nam, Long Thành Trung – huyện Hòa Thành ngày nay.
Ngoài việc phá rừng, khai hoang lập ấp, tháo chua rửa mặn ông Trần Văn Thiện còn chiêu mộ và thành lập đội quân tự vệ trang bị vũ khí thô sơ, luyện tập võ nghệ chống thú dữ, chống giặc cướp phá giữ gìn bờ cõi và bảo vệ thành quả của mình.
Năm Tự Đức thứ 36, ngày 16/9/1883 ông Trần Văn Thiện mất, nhân dân địa phương vô cùng thương tiếc dành nơi an nghỉ của ông tại ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, nhiều ngôi đình được xây dựng ở vùng đất “Ngũ Long” để tưởng nhớ đến công đức sâu dày của ông.
Đình Long Thuận được xây dựng trên một gò đất cao với diện tích là 240,24m2 (diện tích đất khoanh vùng bảo vệ là 1821,7m2), nằm trong khu vực dân cư đông đúc, mặt đình quay về hướng Bắc.
Kiến trúc đình theo kiểu chữ tam, gồm ba lớp nhà song song (Tiền đình, chính điện, hậu đình), mỗi gian nhà được xây theo kiểu tứ trụ, bốn mái phơi đều ra bốn phía hình bánh ít, mái lợp ngói móc, tường xây, tô vữa, quét vôi.
Lễ Kỳ yên ở đình cúng vào ngày 10 tháng 3 hàng năm. Đây là dịp để cho dân chúng địa phương và các nơi tề tựu về đây để bày tỏ lòng thành kính của mình đối với vị thần được thờ cúng ở đình, cầu xin cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi.
Với giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của đình làng Nam bộ đình Long Thuận được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 121/QĐ-CT ngày 29/4/2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.