BẢO TÀNG TÂY NINHhttps://baotang.tayninh.gov.vn/uploads/logo-btt_108_108.png
Thứ hai - 22/04/2024 10:42
Di tích tháp Bình Thạnh thuộc nền văn hóa hậu Óc Eo, nằm trên địa phận ấp Bình Phú, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Ngôi tháp nằm trên một khu gò đất đắp cao về phía Tây, gần như cách biệt với khu dân cư nằm ở phía Đông của ngôi tháp. Ngôi tháp được xây dựng trên một khu nền đất đắp bằng phẳng, có hình vuông, mỗi chiều khoảng 100m, nằm đúng hướng Đông – Tây – Nam Bắc. Mặt chính quay về hướng Đông, trông thẳng ra bàu nước phía trước. Bên trái di tích tháp Bình Thạnh là một phế tích của một ngôi tháp khác bị sụp đổ. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ học, tháp Bình Thạnh đã được phát hiện vào năm 1909, trước đây người Pháp gọi ngôi tháp này là Prei Cek, trong thời gian này ngôi tháp còn cao gần 10m, phần đỉnh tháp đã bị sụp đổ. Năm 1938 H.Mauger đã đến đây tiến hành tu sửa, trám những phần tường đã bị nứt, có nguy cơ sụp đổ. Phần đỉnh tháp đã bị sụp hoàn toàn, người Pháp đã đúc một tấm đan bằng xi măng trám lên phía trên đỉnh để tránh nước mưa đổ vào bên trong lòng tháp. Đến năm 1949 các cán bộ nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện khảo cổ học Hà Nội cùng với các cán bộ của Bảo tàng tỉnh Tây Ninh đã tiến hành khai quật trên khu tháp cổ Bình Thạnh và phát hiện được hai kiến trúc xây bằng gạch. Các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã đoán định khu tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng vào thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên. Tháp Bình Thạnh là một trong số ít các tháp còn sót lại. Đây là ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn, là một trong những di tích kiến trúc cổ quý giá của Tây Ninh và cả Nam Bộ. Tháp Bình Thạnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23/7/1993.