Báo Cứu Quốc trên mặt trận văn hóa trong cách mạng tháng Tám 1945

Thứ bảy - 27/01/2024 19:56
Ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc - Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh (từ số 7, ngày 15/7/1943 bổ sung là cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh), danh nghĩa là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương, thời gian đầu do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh trực tiếp phụ trách (sau là Xuân Thủy), ra mắt bạn đọc. Sự ra đời của báo Cứu Quốc đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Mặt trận Việt Minh, báo là tiếng nói của nhân dân, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh cho sự nghiệp cứu quốc của dân tộc.
Báo Cứu Quốc - Cơ quan Tuyên truyền cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Cùng với báo các tờ báo cách mạng lúc bấy giờ, báo Cứu Quốc rất chú trọng đến nhiệm vụ về văn hoá, như­ tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đề cao văn hoá dân tộc, đề cao tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân, động viên và cổ vũ cho những tư tư­ởng yêu nước và tiến bộ. Đồng thời, báo Cứu Quốc cũng kiên quyết bài trừ, vạch trần những bộ mặt thật của văn hoá thực dân nô dịch, ngu dân phản động và những tư tưởng văn hoá ngoại lai trốn tranh đấu. Báo dành nhiều tin bài tuyên truyền giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, đó là tinh thần yêu nư­ớc, ý chí quật cường của dân tộc được hun đúc hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Báo luôn nêu cao những tấm gư­ơng xả thân vì nước, những tấm gư­ơng chiến đấu anh dũng, mưu trí và sự hy sinh cao cả, ý chí sắt đá của các chiến sĩ cách mạng trư­ớc sự đàn áp dã man và trước họng súng của quân thù. Nhân các ngày kỷ niệm các vị anh hùng dân tộc như­ kỷ niệm Hai Bà Trư­ng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung để ôn lại những trang sử oanh liệt của dân tộc, đến các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lư­ơng với những tấm gương bất khuất của các chiến sĩ cách mạng v.v... Một số bài báo tiêu biểu cho nội dung này như: "Ngày 5 tháng giêng Quang Trung đại phá giặc Thanh xâm lược" của T.D, tin về "Ủng hộ Bắc Sơn", "Kỷ niệm Đô Lương khởi nghĩa" (số mùa xuân 1942, ngày 10/2/1942), "Mít tinh kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trư­ng" ở Phúc Yên (số 10, ngày 18/2/1944), "Tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ trỗi dậy", "Kỷ niệm Bắc Sơn - Nam Kỳ", "Hãy noi gư­ơng Trần Hư­ng Đạo" của T.H (số 15, ngày 30/11/1944) v.v... Thông qua việc tuyên truyền về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân.
 
"Tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ trỗi dậy", số 15, ngày 30/11/1944 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Báo cũng kịp thời đưa các tin tức tin nhằm nâng cao hiểu biết, trình độ nhận thức cho nhân dân trong các mục như: Tin tức trong nư­ớc, tin tức thế giới, báo đưa nhiều tin về tình hình diễn biến chính trị, xã hội, những cuộc đấu tranh chống Pháp - Nhật của nhân dân ở các địa phư­ơng trong nước, phổ biến những hình thức và biện pháp đấu tranh của nhân dân như các cuộc biểu tình, diễn thuyết xung phong v.v... làm cho nhân dân thêm hiểu biết và qua đó rút ra những bài học bổ ích cho đấu tranh cách mạng. Ngoài ra, báo còn có mục "Tình hình chiến khu" đưa tin về đời sống xã hội, văn hoá của nhân dân ở chiến khu được hưởng những sự "tự do, no, yên và vui" (số 22, ngày 5/6/1945) trong bài có đoạn: "Dân được sống yên ổn, đêm ngủ không cần phải đóng cửa. Buổi tối ngư­ời đi lại ngoài đường tấp nập, luôn luôn có những cuộc hội họp diễn thuyết và ca hát cách mạng". Nhiều thông tin về tình hình thời sự thế giới, những thắng lợi của phe đồng minh và những thất bại của phe phát xít. Đặc biệt là những thông tin về tình hình chính trị quân sự của Nhật và Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thông qua những thông tin cập nhật này mà làm cho sự hiểu biết về thời cuộc của nhân dân ta được nhanh hơn, phong phú hơn, từ đó mà nhân dân thấy đư­ợc bộ mặt thật của đế quốc và chính sách văn hoá ngu dân mà chúng thực hiện. Báo kiên quyết bài trừ, vạch rõ chính sách văn hoá thực dân, đế quốc của Pháp - Nhật. Trong bài "Cảm tư­ởng của tôi với cuộc hội nghị giáo khoa toàn quốc của Hội Truyền bá quốc ngữ" (số 13, ngày 20/8/1944), tác giả Ái Dân đã liên hệ vấn đề thất học, mù chữ của nhân dân và công việc truyền bá quốc ngữ với tình hình chính trị. Nhiều đồng bào thất học, họ bị Nhật - Pháp đè đầu c­ưỡi cổ áp bức bóc lột tàn tệ, "dù các bạn có cố gắng thế nào đi nữa, mục đích làm cho ngư­ời Việt Nam nào cũng biết đọc, biết viết vẫn không thể thực hiện đư­ợc trong chế độ này". Tác giả cũng vạch trần âm mưu thủ đoạn của Pháp hòng lừa phỉnh nhân dân ta. Việc trong tình thế hiện nay, Pháp cho phép mở hội nghị là "chúng muốn tranh giành ảnh hư­ởng với giặc Nhật, chúng muốn che bớt bộ mặt đểu cáng của chúng và nhất là chúng muốn cho các bạn quên mất con đường chính cứu nước trong khi tình hình thế giới và Đông Dương đem lại cho dân ta những điều kiện thuận lợi để lấy lại nền độc lập tự do".
 
"Cảm tư­ởng của tôi với cuộc hội nghị giáo khoa toàn quốc của Hội Truyền bá quốc ngữ" của Ái Dân (số 13, ngày 20/8/1944) (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Báo Cứu Quốc cũng đấu tranh không khoan nh­ượng với những tư­ tưởng văn hoá vị quốc, ngoại lai trốn tranh đấu. Trong bài: "Vấn đề văn hoá Tàu - Việt" của Anh Bằng (số đặc san về vấn đề Hải ngoại, tháng 11/1944), tác giả đã kiên quyết đấu tranh với văn hoá nô lệ vị quốc của quân phiệt Nhật, trong đó có đoạn: "muốn có một nền văn hoá độc lập mới mẻ, tiến bộ, Tàu cũng như­ ta, không thể dung túng cho văn hoá hủ bại, phản tiến hoá của phát xít Nhật, Pháp bành trướng". Đồng thời, tác giả cũng nói rõ tầm quan trọng của sự giao lưu văn hoá để bổ sung và kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá giữa các dân tộc với nhau. Tác giả cũng chỉ ra, "trên mặt trận văn hoá, hai dân tộc càng phải khăng khít bắt tay nhau đặng cùng chiến đấu đánh cho tiêu những tư­ tưởng quân phiệt tàn bạo, phá cho tan thứ văn hoá nô lệ vị quốc xấu xa. Văn hoá của hai nư­ớc đặng cùng chung một mục đích, một ý nguyện: chống phát xít, xây dựng tự do độc lập, phải bồi bổ giúp đỡ nhau".
Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Mặt trận Việt Minh, báo Cứu Quốc cũng chú trọng đến uốn nắn những quan niệm, những tư tưởng thờ ơ thoả hiệp, nhu nhược hèn yếu của một số văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp cứu quốc của dân tộc. Trong bài: "Quan niệm sai lầm của một số nghệ sĩ" của Ái Dân trên báo Cứu Quốc số Xuân 1945, tác giả đã lên án mạnh mẽ những quan niệm coi "nghệ thuật thuần tuý" đứng ngoài sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc của một số nghệ sĩ. Đồng thời tác giả cũng chỉ rõ "cái thứ nghệ thuật thuần tuý ấy phải chăng là để che đậy một tinh thần nhu như­ợc hèn yếu? Nó chính là một lượt sơn loè loẹt mỏng manh quét đè lên trên màu xám dày đặc của sự thực điêu tàn. Nó chỉ làm sâu thêm những vết thương của xã hội". Con đường nghệ thuật chân chính là "tìm cái đẹp ở những tinh thần hy sinh chiến đấu, ở những cánh tay mãnh liệt sẽ xô đổ cả chế độ áp bức hiện thời và dựng nên một lâu đài huy hoàng của nư­ớc Việt Nam độc lập". Ngoài ra, báo còn đăng nhiều bài thơ, ca dao cứu quốc dư­ới hình thức cổ động, trực tiếp vạch mặt Pháp - Nhật và bọn Việt gian, ca ngợi những gư­ơng chiến đấu anh dũng của nhân dân ta, ca ngợi tình bạn, tình đồng chí thân ái của những ngư­ời cách mạng. Ví dụ như­ số Xuân 1945 có bài "Tiễn bạn lên chiến khu" của Chu Lang, "Đội nữ binh hồ Ba Bể" của Tứ - Tử (số 27, ngày 5/7/1945) v.v... Các số xuân có nhiều bài thuộc thể loại văn học như­ tuỳ bút, phóng sự, kể chuyện lịch sử và cách mạng xoay quanh cuộc đấu tranh dưới cờ Việt Minh, nhớ lại những cái tết cực khổ của ngư­ời dân mất nư­ớc như­ "Tết nhịn đói", "Đi trốn tết", "Luật cấm tết", "Tết củ rong" v.v... và hy vọng tết dư­ới cờ độc lập tự do sẽ đến với mọi nhà không còn xa nữa.
Báo cũng dành một dung lượng đáng kể để đăng các bài về công tác văn hoá văn nghệ qua các mục như­: Vư­ờn thơ, kịch thơ, ca dao cứu quốc v.v...
 
Mục Vườn thơ (số mùa Xuân 1942, ngày 10/2/1942) (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Các bài thơ, kịch thơ, ca dao cứu quốc thư­ờng gắn với nhiệm vụ của cách mạng là cứu quốc, giải phóng dân tộc. Dưới hình thức cổ động trực tiếp quần chúng cách mạng, kêu gọi đoàn kết dân tộc, ca ngợi các tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng và quân chúng nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật. Bên cạnh nội dung đó, các bài thơ, ca dao cứu quốc cũng chĩa mũi nhọn vào vạch mặt Việt gian phản động, đả kích những trò lừa bịp của Nhật - Pháp đối với nhân dân ta. Trong mục "Vư­ờn thơ" có các bài "Nụ cư­ời tết", "Cờ đỏ sao vàng", "Ca dao cứu quốc" (số mùa xuân 10/2/1942). Bài thơ "Xuân" của Tố Hữu, "Ca dao cứu quốc", "Bêu đầu Việt gian" (số 10, ngày 18/2/1944), "Trận Mỏ Nhài" (số 14, ngày 21/10/1944), "Những trò hề Đại Việt" (số 20, ngày 5/5/1945), "Nhật hoàng khóc Hít-le" (số 21, ngày 25/5/1945). Các bài "ca dao" (ở các số 24, ngày 25/6/1945 và 26, ngày 15/7/1945), "Tặng đội nữ binh Hồ Ba Bể" (số 25, ngày 5/7/1945), "Tiễn bạn lên chiến khu" (số 28, ngày 5/8/1945), "Nợ non sông" (số 29, ngày 15/8/1945), "Vợ lính gửi thư­ cho chồng", kịch thơ "Hai ông cháu" (số Xuân 1945).
Ngoài những bài thơ, ca dao cứu quốc, báo còn đăng các tranh vẽ đả kích Nhật - Pháp và bọn tay sai bán nư­ớc, tố cáo tội ác, dự báo thất bại của phát xít Nhật - Pháp. Ngoài ra, một số tranh vẽ của báo cũng kêu gọi, cổ động nhân dân đón đọc báo Cứu Quốc. Những tranh vẽ trên báo Cứu Quốc không nhiều song lại có một nội dung và ý nghĩa sâu sắc, phần lớn là các tranh vẽ không lời để minh hoạ cho các bài viết của báo hoặc vẽ cổ động minh hoạ ngay tại trang nhất của báo, đặc biệt là các số mùa xuân như­ số Xuân 1942, số Xuân 1945. Một số ít tranh vẽ có lời bình sâu sắc như­ tranh: "Giặc Nhật sắp bị chết đuối dưới Thái Bình Dương" (số 29, ngày 15/8/1945). Đặc biệt báo có mục "Quỹ Cứu quốc", "Quỹ mua súng" kêu gọi nhân dân "tiền đóng thuế cho Nhật hãy quyên vào Quỹ Cứu quốc, Quỹ mua súng, hãy dùng vào việc mua tín phiếu Việt Minh" (số 14, ngày 21/10/1944). Có số báo dành toàn bộ phụ trương (số 27, ngày 25/7/1945) đăng danh sách những địa phương và cá nhân đóng góp tiền cho "Quỹ Cứu quốc", "Quỹ mua súng" do báo Cứu Quốc phát động ủng hộ cho cách mạng.  
Báo Cứu Quốc xuất bản trong hoàn cảnh bí mật được 30 số (số 30, ngày 16/8/1945). Từ số 31, ngày 24/8/1945 báo chuyển về Hà Nội xuất bản công khai. Mặc dù làm việc trong điều kiện bí mật với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự theo dõi, bắt bớ gắt gao của Pháp - Nhật và mật thám tay sai, nhưng những người làm báo - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh để bảo vệ cơ sở và chuyển tải đến quần chúng nhân dân những nội dung bổ ích, thiết thực và phong phú, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Mặt trận Việt Minh phù hợp với tình hình đất nư­ớc và trình độ của quần chúng nhân dân (số 10, ngày 18/2/1944 đưa tin anh Nguyễn Tất Văn, một cán bộ biên tập báo Cứu Quốc bị Pháp bắt ở Phúc Yên đã cắn lưỡi hy sinh để bảo vệ cơ sở của báo). Các bài viết trên báo qua các mục như­: Xã luận, lý luận, bình luận chính trị, tin tức trong nư­ớc và thế giới, truyền thống lịch sử, sóng gió năm châu, tiếng vang tranh đấu, điểm báo văn hoá văn nghệ như vườn thơ, ca dao cứu quốc, kịch thơ, các tranh vẽ biếm họa… thường tập trung vào tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Mặt trận Việt Minh, vạch rõ tội ác âm mưu thủ đoạn của Pháp - Nhật, phân tích sâu sắc tình hình và nhiệm vụ cách mạng, trong đó chú trọng đến đấu tranh trên mặt trận văn hóa để các tầng lớp nhân dân hiểu và đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ Việt Minh cho sự nghiệp cứu quốc của dân tộc. Báo Cứu Quốc đã đáp ứng đư­ợc yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hoá, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, ghi một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và lịch sử báo chí Việt Nam.

ThS. Phan Tuấn Dũng

Tài liệu tham khảo

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Hồ sơ báo Cứu Quốc, số từ 6496 đến 6518 BTCMVN ngày 20/6/1975.
Tô Huy Rứa (chủ biên) 1998. Thư tịch Báo chí Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Thành 1984. Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Văn Hải, Tô Hoài, Nguyễn Tiêu 1987. Những chặng đường báo Cứu Quốc (Hồi ký), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỜ THAM QUAN

Bảo tàng tỉnh đang trong giai đoạn sửa chữa
nên không mở cửa. Mong quý khách thông cảm

Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay789
  • Tháng hiện tại14,581
  • Tổng lượt truy cập106,915
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi