Tình hình của Nhật đã trở nên tuyệt vọng. Trong lúc này, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị toàn quốc, quyết định tổng khởi nghĩa và thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa ở Việt Nam. Tổng bộ Việt Minh đã phê chuẩn quyết định này và ngay lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa. Ngay khi nhận được tin Nhật chính thức đầu hàng vô điều kiện thì Ủy ban Khởi nghĩa đã phát động lệnh Tổng Khởi nghĩa ngay trong đêm ngày 13 tháng 8.
Sáng ngày 16 tháng 8, Đại hội đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội) họp tại làng Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Hơn 60 đại biểu các dân tộc đại diện cho các đảng phái chính trị đã về dự đại hội trong bầu không khí thân ái và phấn khởi, nhất trí tán thành lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, ấn định đường lối đối nội, đối ngoại của chính quyền cách mạng và thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau nhiều năm lưu lạc đầy hiểm nguy và hoạt động bí mật, đây là lần đầu tiên đồng chí Hồ Chí Minh xuất hiện trước các đại biểu nhân dân.
Đại hội đại biểu quốc dân được khai mạc đúng lúc lệnh tổng khởi nghĩa vừa được phát ra nên đã tổ chức phiên họp “chớp nhoáng” để các đại biểu có thể kịp thời tham gia dân quân vùng và lãnh đạo khởi nghĩa.
Tại Đại hội lịch sử này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương đưa ra một chính sách rõ ràng và chính xác: phát động quần chúng nhân dân tước vũ khí của quân Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành chính quyền từ tay Nhật và quân bù nhìn và với tư cách là những người đại diện cho chính quyền nhân dân, chào đón quân Đồng minh đến tước vũ khí của quân Nhật đang đóng ở Đông Dương.
Ở nhiều địa phương, trước sự hỗn loạn của quân Nhật khi biết sắp thất bại, quân đội Việt Minh, trên cơ sở Chỉ thị của Đảng Cộng sản ban hành trong tháng 3, đã chủ động kêu gọi nhân dân giành chính quyền trước khi nhận được lệnh tổng khởi nghĩa.
Ngày 16 tháng 8, tin tức về việc Nhật Bản đầu hàng lan truyền nhanh chóng. Ở tất cả các tỉnh thành, biểu tình nổ ra trên đường phố, kèm theo các cuộc biểu dương lực lượng. Nhiều nhà máy và công sở tạm ngừng hoạt động. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi. Nhiều cuộc biểu tình vũ trang đã biến thành các cuộc tấn công bất ngờ vào các đồn bốt của Nhật. Trong hai ngày 17 và 18 tháng 8, hàng trăm nghìn người đã biểu tình tại Hà Nội, kêu gọi tổng đình công. Đại diện Việt Minh kêu gọi quần chúng giành chính quyền. Ngày 19 tháng 8, toàn thủ đô vùng lên. Bảo An Binh và cảnh sát ủng hộ cách mạng. Lực lượng nổi dậy do cán bộ Việt Minh chỉ huy với các đội hình xung kích gồm công nhân và thanh niên xông vào Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Chính quyền Cách mạng Lâm thời được thành lập. Trước sự vùng lên không thể cưỡng lại của phong trào nổi dậy, vua Bảo Đại đã thoái vị. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã đầu hàng. Tổng bộ Việt Minh cử đại diện vào Huế để nhận chiếu thoái vị của nhà vua.
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Vài ngày sau, hầu hết các thành viên của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam đều có mặt ở Hà Nội. Trước tình hình mới, Ủy ban tự tổ chức lại bằng cách bổ sung thêm nhân sự ngoài đảng, để thành lập Chính phủ lâm thời quốc gia thống nhất do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 29 tháng 8 năm 1945, một phân đội Giải phóng quân rời vùng kháng chiến tiến vào Hà Nội trong sự hoan nghênh reo hò như sấm dậy. Ngày 2 tháng 9, gần 500.000 người tập trung tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới.
Ngày 23 tháng 8 tại Sài Gòn - Chợ Lớn, một triệu đồng bào ta biểu tình trong các khu phố. Khắp các nơi ở Nam Bộ, sau khi giành chính quyền, Thanh niên tiền phong và dân quân tự vệ đã hợp nhất để thành lập Quân đội Cách mạng miền Nam Việt Nam. Ủy ban Hành chính Nam Bộ được thành lập.
Trong vòng chưa đầy mười lăm ngày, trên khắp cả nước từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, các Ủy ban nhân dân do dân bầu ra đã thay thế dứt điểm bộ máy hành chính thối nát được dựng lên bởi quan lại và cường hào.
Chính quyền cách mạng trả tự do cho tù chính trị đồng thời truy đuổi những kẻ phản bội. Bãi bỏ thuế thân, hệ thống thuế cũ đón nhận những thay đổi đầu tiên. Địa tô giảm, ruộng đất làng xã được phân chia lại công bằng hơn. Các nhà máy của Pháp, đã trở thành nhà máy của Nhật Bản từ ngày 9 tháng 3 năm 1945, nay chuyển giao cho chính quyền mới, tạm thời giao quyền quản lý cho các cơ quan Nhà nước. Các quyền tự do dân chủ của nhân dân được pháp luật công nhận. Các dân tộc Việt Nam lớn nhỏ đều có quyền bình đẳng. Bình đẳng giới được tuyên bố. Chế độ cộng hòa với tính chất dân chủ mới được thiết lập.
Với sức mạnh không tưởng, toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên, ra sức phá bỏ xiềng xích nô lệ, kiên quyết tiến lên, cùng với nhân dân các nước Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a đi đầu trong phong trào giải phóng các dân tộc ở Viễn Đông.
Minh Phúc dịch từ bài viết “Une page glorieuse de notre histoire” của tác giả Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đăng trong cuốn “Việt Nam tiến bước” năm 1957 - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
https://archives.org.vn