Lễ rước nước (Lễ cúng ông đầu gió) của bà con Khmer tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây NInh

Thứ sáu - 12/04/2024 16:32
Rước nước (lễ cúng Ông đầu gió) là nghi lễ để xin nước mưa lấy nước làm ruộng và xin tránh dịch bệnh của bà con Khmer tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Lễ rước nước được tổ chức vào khoảng đầu tháng 4 dương lịch (thời gian cụ thể tuỳ theo năm, được tính theo Đại lịch của người Khmer) và tổ chức trước khi bước vào lễ đón năm mới.
Cột chỉ tay chúc phúc cầu bình an và may mắn
Cột chỉ tay chúc phúc cầu bình an và may mắn
Theo lời các vị cao niên thì Lễ rước nước được tổ chức ở nơi đón gió (thường được tổ chức tại khoảng ruộng phía sau chùa Khmer Khedol) vì vậy còn được gọi là lễ cúng Ông đầu gió. Ngoài ý nghĩa cầu xin mưa lấy nước thì nghi lễ này còn để cầu xin tránh dịch bệnh, bởi trước đây người dân trong làng chủ yếu dùng trâu bò cày ruộng, mà đây là thời điểm gió mùa thay đổi làm trâu, bò nuôi trong làng bị dịch bệnh chết, bà con lo không có trâu, bò cày ruộng nên làm lễ cúng ông đầu gió để xin tránh dịch bệnh và xin mưa xuống để bắt đầu mùa vụ mới.
Lễ vật trong lễ rước nước gồm: rượu, nhang, đèn, 1 cái đầu heo, 1 con gà, cháo, cơm nếp, các loại bánh, trái cây: chuối, dừa… Khu vực làm lễ, người Khmer dùng cây tạo lập bàn thờ làm lễ, bàn thờ có 2 tầng, trên đó đặt các lễ vật cúng: trái cây (chuối), bông dừa (làm bằng trái dừa, trên đó cắm mấy bông hoa sứ, ngày trước bà con còn dùng sáp để làm hoa, ngoài ra còn có lá cây, trên thân có quấn giấy đỏ), nhang, đèn. Ngoài ra, bà con còn dùng các thân chuối kết bè, tạo thành mô hình nhà: bên trong đặt các lễ vật đầu heo, trái cây, bánh tét…; tạo hình vuông, hình tam giác (9 cái): bên trong có để 1 ít rau gém từ cây chuối non, cháo, cơm nếp. Dùng thân của các tàu lá chuối tạo mô hình thuyền, mô hình tháp, bên trong cũng để các lễ vật tương tự nhưng có thêm quả trứng gà, ngoài ra còn tạo các hình con bò, trâu. Các lễ vật này dùng để cúng cho người khuất mặt, xin xua đi những xui xẻo trong năm và mong những điều may mắn sẽ đến trong năm mới
Khi hoàn tất công tác chuẩn bị bà con sẽ tiến hành làm lễ. Một người lớn tuổi, có uy tín, hiểu rõ các nghi thức lễ sẽ thực hiện dẫn lễ, mọi người ngồi xung quanh cùng nhau làm lễ, cầu khấn. Sau đó mọi người cùng nhau đi quanh nơi để các lễ vật 1 vòng, vừa đi vừa đọc kinh cầu khấn mời các vị thần linh, các vong hồn đã khuất tham dự lễ và cầu xin cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn được tốt đẹp. Khi đi xong mọi người mang các lễ vật đi ra đồng đặt ở ngọn gió hướng lên chân núi Bà, rồi trở lại bàn làm lễ, làm lễ cột tay chúc phúc cầu bình an và may mắn.
Lễ rước nước hay lễ cúng Ông đầu gió là một trong những nghi lễ đặc trưng mang dấu văn hóa bản địa của bà con Khmer tại Khedol mà ở những nơi khác không thấy, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Khmer tại đây và sự mong mỏi về một vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, tốt đẹp, là một nghi lễ khởi đầu cho những chuỗi hoạt động chào đón năm mới của đồng bào dân tộc Khmer tại nơi này.
Tin bài: Huỳnh Thị Thảo Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜ THAM QUAN

Bảo tàng tỉnh đang trong giai đoạn sửa chữa
nên không mở cửa. Mong quý khách thông cảm

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay4
  • Tháng hiện tại454
  • Tổng lượt truy cập4,114
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi