Cách mạng Tháng Tám và một thời đại mang tên Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 27/01/2024 19:57
Cách mạng Tháng Tám 1945 mở ra thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của sự nghiệp giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân phương Tây, kiến lập nền dân chủ, cộng hòa; thời đại dân tộc nỗ lực thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, để đến với mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc trong nghĩa trọn vẹn của nó.
1 (6)
1 (6)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945
Khó có tên gọi nào thích hợp hơn, sát đúng hơn tên gọi Thời đại Hồ Chí Minh cho tất cả những biến đổi như trên, có thể nói là đã được bắt đầu từ những gì có liên quan đến người thanh niên có tên Nguyễn Sinh Cung, rồi Nguyễn Tất Thành sinh ra ở làng Sen xứ Nghệ.
Người thanh niên đã chọn năm 1890 (Canh Dần) để ra đời, và từ năm 1911, ở tuổi 21 đã làm một cuộc đi dài nhất, so với bất cứ anh hùng, chí sĩ nào ở đầu thế kỷ XX. Đó là cuộc đi sang phương Tây, qua nhiều lục địa, rồi về Paris, trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, và cũng là trung tâm của phong trào cách mạng vô sản thế giới, viết Bản án chế độ thực dân Pháp, và viết những lời tiên tri trong Đông Dương thức tỉnh vào mở đầu những năm 1920 thế kỷ XX: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Và Nguyễn Ái Quốc chính là hạt giống đó. Người có cuộc đi dài nhất, vòng quanh thế giới, cũng là người có cuộc đi lâu nhất, những 30 năm, từ 1911 đến 1941 mới trở về Pác Bó, viết diễn ca Lịch sử nước ta, 208 câu, vào đầu năm 1942, trong đó có một dòng tiên tri, ghi ở mục Những năm quan trọng: “Việt Nam độc lập - 1945”. Và tháng Tám năm 1945, người thiết kế vĩ đại cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Lịch sử tiếp tục thử thách nghiệt ngã số phận dân tộc, khiến vị Chủ tịch đầu tiên phải trở thành Tổng tư lệnh tối cao trong hai cuộc chiến kéo dài trên 30 năm. Hai cuộc chiến với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong chống Pháp, đến với khẳng định: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” trong chống Mỹ. Cùng với Tuyên ngôn Độc lập, là hai Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gối liền nhau, đã thành lời của núi sông, lời non nước - “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngàn xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu).
 
Đông đảo nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945. Ảnh: TTXVN
Cả một dân tộc đã nhất tề xông lên trong khí thế chống Pháp: Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy. (Lên núi; 1950), đến cao trào chống Mỹ: Lục khắp giấy tờ vẫn chửa thấy/ Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao. (Không đề; 1968). Ở thời điểm này, vẫn còn bảy năm nữa mới đến Đại thắng mùa xuân 1975, nhưng lòng tin vào chiến thắng cuối cùng đã được Hồ Chí Minh nói đến trong Di chúc - 1969, qua hai câu thơ: Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.
Thế kỷ XX, trong tên gọi Thời đại Hồ Chí Minh đã vận hành theo những mục tiêu mà Hồ Chí Minh đã xác định nhằm phục hưng dân tộc sau ngót 100 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Đó là độc lập, tự do, hạnh phúc, trên nền tảng Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là việc đánh thắng ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm được nêu ngay từ sau tháng Tám 1945, nhưng cũng là mục tiêu phải đi hết thế kỷ XX mới giành được trọn. Sau độc lập, tự do, thì hạnh phúc, đó chính là cơm ăn, áo mặc, học hành: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tức là việc thoát nghèo đói, là cuộc chiến chống đói nghèo, phải nói là cực kỳ gian khổ, bởi sự tồn tại quá lâu trong hàng nghìn năm ở Việt Nam một phương thức sản xuất phong bế, lạc hậu, và bởi sự thống trị tàn bạo hàng trăm năm của chủ nghĩa thực dân. Cả ba loại giặc: đói, dốt, ngoại xâm (xa và gần) khiến cho mọi tiềm năng của lịch sử phải được huy động, để chống, để đánh, để giành chiến thắng, và để tồn tại trong danh dự… cho đến hết thế kỷ XX. Một thế kỷ đối diện với mọi loại kẻ thù bên ngoài, gồm các thế lực xâm lược, xa và gần; cùng với mọi kẻ thù bên trong, đó là cái nghèo, cái đói, cái dốt với những nguyên nhân trực tiếp và sâu xa của nó.
Năm 2023, năm đất nước sau ngót 40 năm đổi mới (từ 1986), trong đó có ngót 30 năm hội nhập (từ 1995), trong bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên cách mạng thông tin, năm kỷ niệm 54 năm thực hiện Di chúc của Bác, được công bố trong lễ tang trên Quảng trường Ba Đình vào 9 giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 1969, 100 triệu công dân Việt hôm nay vẫn đang tiếp tục sự nghiệp mà Hồ Chí Minh đã khởi công và tạo dựng để đến với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

 GS PHONG LÊ


http://baovanhoa.vn

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIỜ THAM QUAN

Bảo tàng tỉnh đang trong giai đoạn sửa chữa
nên không mở cửa. Mong quý khách thông cảm

Thống kê
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay640
  • Tháng hiện tại14,432
  • Tổng lượt truy cập106,766
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi