Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (05/9/1962-05/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2022), Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm tài liệu, ảnh, hiện vật và sách về “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” tại Thủ đô Hà Nội.
Mục đích: Triển lãm nhằm tuyên truyền về quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phản ánh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào qua 35 năm đổi mới; góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn hiện nay; tăng cường sự hợp tác giữa hai Văn phòng Trung ương của hai Đảng anh em; giới thiệu với đông đảo công chúng hai nước về các giá trị của tài liệu lưu trữ, nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của xã hội về vai trò, giá trị tài liệu lưu trữ trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử ở mỗi nước.
Thời gian và địa điểm triển lãm: Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ ngày 18/7 đến 18/10/2022.
Sau hơn 2 tháng tập trung làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, nhiệt huyết và sáng tạo, Văn phòng Trung ương Đảng đã chủ trì và nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự tham gia đóng góp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong nước, đặc biệt là sự tham gia đóng góp ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Hai đơn vị được giao thực hiện chính là Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã rất nỗ lực, phối hợp tốt với nhau và với các cơ quan có liên quan để sưu tầm, thu thập tài liệu, ảnh, hiện vật và sách, chuẩn bị nội dung triển lãm, làm lên thành công của cuộc triển lãm đầy ý nghĩa này.
Với gần 500 tài liệu, ảnh, hiện vật và sách (63 tài liệu, 236 ảnh, 45 hiện vật và gần 100 cuốn sách), Triển lãm là một trong nhiều hoạt động phong phú, sinh động trong “Năm Đoàn kết, Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”, thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Triển lãm đã khắc họa “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Trưng bày tại triển lãm bảo đảm tính hệ thống, chân thực và khách quan, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, tập trung từ năm 1962 - 2022, trong đó có nhiều tài liệu, ảnh, hiện vật mới so với triển lãm năm 2017.
Tiếp theo khánh tiết, trưng bày tại triển lãm được thể hiện theo ba phần: mở đầu, nội dung chính và phần kết.
Phần mở đầu của triển lãm giới thiệu những hình ảnh phản ánh nét tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Lào. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước sông Mê-kông, tạo nên mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ đời sống thích ứng với tự nhiên và xây dựng xã hội của biết bao thế hệ cộng đồng cư dân hai nước. Sự tương đồng giữa văn hóa của người Việt và người Lào bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á, cơ sở tạo nên phẩm chất yêu thương và hướng thiện trong đối nhân xử thế của hai dân tộc.
Nội dung chính của triển lãm được bố cục thành ba phần:
Phần 1: Một số nét về lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Quan hệ gắn bó Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được hình thành từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai quốc gia. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau trong nhiều giai đoạn lịch sử. Quan hệ đó được nâng lên tầm cao mới từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương, mà tiền thân là Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cách mạng hai nước đã giành thắng lợi. Sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Ít-xa-ra năm 1945 là cơ sở quan trọng đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Lào lên tầm liên minh chiến đấu, cùng chung sức chống kẻ thù chung, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Đây là phần có nhiều nội dung mới, chưa có trong những triển lãm trước. Tài liệu, ảnh, hiện vật tiêu biểu trong phần này gồm:
Ảnh Trát của Đặc sai Phụ quốc Đại tổng quản Thượng tướng quân triều vua Quang Trung năm thứ tư về việc chiêu mộ nghĩa binh giúp Lào, ngày 08/10/1791, trong đó có đoạn “… hãy chiêu mộ nghĩa binh ở các sách thuộc châu Quy Hợp, được bao nhiêu thì thành lập đội ngũ để theo quan Đô đốc Khâm sai đặc tiến vệ quốc ở đồn Đại Nài đi đánh giặc…”;
Hiện vật Bản án chế độ thực dân Pháp, tập hợp những bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (1921-1924), tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với các dân tộc Đông Dương nói riêng và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nói chung. Trang 65 viết: Ở Luông-pha-bang, nhiều phụ nữ nghèo khổ, thảm thương phải mang xiềng xích đi quét đường vì chỉ một tội không nộp nổi thuế.
Hiện vật Sách Đường Kách mệnh, là một trong những tài liệu cách mạng tiêu biểu được phổ biến ở Việt Nam và Lào cuối những năm 20 của thế kỷ XX. Đây là hiện vật gốc, là bảo vật quốc gia, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ tám, tháng 5/1941.
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Xu-pha-nu-vông bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào, Hà Nội ngày 04/9/1945;
Thư của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về “Tổ Bắc Lào”, tuyên truyền đề phòng địch tấn công, phát triển củng cố lực lượng; báo cáo tình hình quần chúng, tình hình quân sự, chính trị, ngày 06/01/1949;
Ảnh đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ít-xa-ra, tiền thân của Quân đội Nhân dân Lào ngày nay, tại huyện Xiêng Khọn, tỉnh Hủa Phăn (Lào), ngày 20/01/1949;
Ảnh Bức trướng “Lào – Việt đoàn kết” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Quốc dân Đại hội Lào Ít-xa-ra;
Ý kiến phát biểu của đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít, Ủy viên Ban trù bị Hội nghị Mặt trận ba nước Đông Dương, ngày 22/11/1950;
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ Lào Ít-xa-ra Xu-pha-nu-vông tại chiến khu Việt Bắc (Việt Nam), năm 1951;
Khăn quàng, nhân dân Bô-li Khăm-xay (Lào) tặng bộ đội Việt Nam tập kết, năm 1954;
Tuyên bố chung giữa đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ Vương quốc Lào, ngày 29/8/1956;
Thư cảm ơn của Trung ương Đảng Nhân dân Lào gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc giúp cách mạng Lào giành thắng lợi, ngày 10/01/1958;
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông chứng kiến Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào Xu-văn-na Phum-ma thông qua tuyên bố chung Việt Nam – Lào, Hà Nội ngày 28/4/1961;
…
Phần 2: Thiết lập quan hệ ngoại giao và thắt chặt liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1962-1977)
Phần này được trưng bày theo hai khối tiếp nối nhau.
2.1. Thiết lập quan hệ ngoại giao và thắt chặt liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào.
Ngày 05/9/1962 Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào (sau là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào), liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước ngày càng được thắt chặt, góp phần to lớn giúp nhân dân, các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Đại thắng ngày 30/4/1975 ở Việt Nam và Chiến thắng ngày 02/12/1975 ở Lào.
Tài liệu, ảnh, hiện vật tiêu biểu trong phần này gồm:
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nhân dịp Hoàng thân thăm Việt Nam, Hà Nội ngày 15/8/1962;
Đĩa bạc, do Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân lào tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1962;
Quốc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc vương Lào Xỉ-xạ-vàng Vắt-thạ-na về việc ông Lê Văn Hiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Lào, ngày 22/9/1962;
Ảnh Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Văn Hiến trình Quốc thư lên Quốc vương Lào Xỉ-xạ-vàng Vắt-thạ-na tại Hoàng Cung, Luông-pha-bang ngày 08/11/1962;
Ảnh Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Vương quốc Lào Pheng No-rin trình Quốc thư lên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội ngày 21/02/1963;
Một số bức ảnh ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Quốc vương Lào Xỉ-xạ-vàng Vắt-thạ-na tại Hà Nội, cùng Quốc vương Lào Xỉ-xạ-vàng Vắt-thạ-na múa lăm vông với các diễn viên Lào trong buổi lễ mừng Quốc vương thăm hữu nghị Việt Nam năm 1963; tiếp và nói chuyện thân mật với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Hà Nội năm 1966;
Điện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhân dịp giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, ngày 02/5/1975;
Thư (ngày 31/5/1975 và ngày 08/7/1976) của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản gửi Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Tư lệnh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào;
Thư chúc mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gửi Đại hội lần thứ IV của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 12/1976;
2.2. Ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào, mở đầu thời kỳ mới của quan hệ đoàn kết đặc biệt hai nước.
Ngày 18/7/1977, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào được ký kết, đặt nền tảng pháp lý vững chắc và đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Tài liệu, ảnh, hiện vật tiêu biểu trong phần này gồm:Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Ảnh Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn ngày 18/7/1977;
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Viêng Chăn ngày 18/7/1977;
Ảnh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản trao Tuyên bố chung Lào – Việt Nam cho Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn, Viêng Chăn ngày 18/7/1977;
Tuyên bố chung Việt Nam-Lào ngày 18/7/1977;
Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 18/7/1977;, Nhà máy gỗ Viêng Chăn (Lào) tặng đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (Việt Nam) khi đoàn sang Lào biểu diễn, tháng 10/1976
Voi gỗ(Nhận lời mời của Bộ Văn hóa nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, tháng 10/1976, Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (Việt Nam) do đồng chí Nông Quốc Chấn làm trưởng đoàn sang thăm và biểu diễn tại Lào. Trong thời gian biểu diễn, Đoàn có dịp đến thăm quan nhà máy gỗ dán tại Viêng Chăn, Ban Giám đốc nhà máy đã tặng Đoàn một con voi bằng gỗ quý nặng khoảng 60 kg. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của nhân dân Lào anh em tặng với tình nghĩa đoàn kết đặc biệt, gắn bó…).
Tại triển lãm này, lần đầu tiên trưng bày nhóm hiện vật về chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, gồm:
Địa bàn của Thượng tá Trần Huy Tuấn, chuyên gia trinh sát đại đội 18 Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào) sử dụng từ năm 1969 đến 1975
(Năm 1963, đồng chí Trần Huy Tuấn được cử sang Lào làm chuyên gia quân sự thuộc đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam 463. Tại Lào, đồng chí được phân công công tác tại Đại đội Trinh sát 18, Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Địa bàn là chiến lợi phẩm do các chiến sĩ Pathét Lào, thuộc Đại đội trinh sát 18 thu được trong chiến dịch Mường Sủi (phía Tây địa bàn Cách đồng Chum – Xiêng Khoảng) tháng 6/1969, sau đó đã tặng lại cho đồng chí thượng tá Trần Huy Tuấn, chuyên gia quân sự Việt Nam. Đồng chí Tuấn đã dùng địa bàn làm giáo cụ huấn luyện nghiệp vụ trinh sát cho nhiều lớp trinh sát và các tác nghiệp khác tại thực địa trên chiến trường);
Đài của đồng chí Khăm tày Xi-phăn-đon, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Đại tá Phạm Nghiêm, nguyên Phó Chính ủy Đoàn chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào, khi hoàn thành nhiệm vụ về nước năm 1973
(Tháng 02/1973, sau khi ký hiệp định lập lại hòa bình tại Viên Chăn, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào. Cuối năm 1973, Trung ương quyết định rút toàn bộ lực lượng chuyên gia Quân sự Việt Nam sang giúp nước bạn Lào về nước. Trong buổi lễ chia tay các chuyên gia Việt Nam, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng đồng chí Phạm Nghiêm, Phó chính ủy đoàn chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào chiếc đài làm kỷ niệm sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước. Đồng chí đã sử dụng chiếc đài để nghe thông tin hàng ngày và lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng vô giá);
Ống Nhòm của Đại tá Nguyễn Hoàng Lâm, cán bộ Đoàn 959, chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã sử dụng trên chiến trường Lào từ năm 1960 đến năm 1975
(Đại tá Nguyễn Hoàng Lâm là chiến sĩ trinh sát tình báo thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong trận chiến đấu tại đồn Cam Rẫy (Tây Nguyên), đồng chí được trang bị chiếc ống nhòm này để sử dụng trinh sát, nắm tình hình địch. Năm 1960, khi được điều động sang Lào làm chuyên gia quân sự, đồng chí đã sử dụng chiếc ống nhòm này trong chiến đấu trên chiến trường Lào đến năm 1975. Khi đất nước Lào hoàn toàn giải phóng, đồng chí mang theo chiếc ống nhòm về nước làm vật kỷ niệm);
Bản đồ bố trí lực lượng của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Tư lệnh Quân tình nguyện và chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào sử dụng trên chiến trường trước khi tiến hành tổng tấn công cuối năm 1975;
…
Phần 3: Đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước (1977-2022)
Đây là phần chính, điểm nhấn của triển lãm tổ chức lần này. Phần này được trưng bày theo hai khối tiếp nối nhau.
3.1. Quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển đất nước (1977-1986).
Với nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị và củng cố quốc phòng - an ninh, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được thúc đầy và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của cách mạng hai nước trong giai đoạn mới, phù hợp với lợi ích căn bản của hai dân tộc và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông về tình đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Tài liệu, ảnh, hiện vật tiêu biểu trong phần này gồm:
Tài liệu, Ảnhvề các chuyến thăm hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước; về các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước…;
Ảnh về đoàn đại biểu cấp cao Lào sang dự đại hội V Đảng ta năm 1982;
và
Đĩa bạc (khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh)Voi (tết bằng dây guột) do đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tặng Đại hội V Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 3/1982.
Ảnh về đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang dự Đại hội III Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, năm 1982;
Những bức ảnh về lễ ký biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan, các ngành của hai nước; về bàn giao công trình do Việt Nam giúp Lào xây dựng;
Nghị quyết số 33/BCT, ngày 04/9/1983 của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng lào về tăng cường đoàn kết đặc biệt Lào – Việt và tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam trong những năm trước mắt;
…
3.2. Hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước (1986-2022).
Năm 1986, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cùng tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ đây được tăng cường đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Qua 35 năm đổi mới, những thành tựu từ hợp tác toàn diện về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng đến hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi nước.
Về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, tài liệu, ảnh, hiện vật tiêu biểu gồm:
Thông tri số 08-TT/TW, ngày22/5/1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc kỷ niệm 10 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tácViệt Nam – Lào;
Tài liệu, ảnhvề các chuyến thăm hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước; về các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước hằng năm.
Ảnh, Lời chào mừng của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang dự Đại hội V Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, năm 1991;
Các bản Tuyên bố chung Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam;
Những bức ảnh về hợp tác xây dựng cột mốc biên giới quốc gia, đường biên giới, tuyến biên giới; khánh thành một số cửa khẩu quốc tế;
Hiệp định ngày 16/3/2016 về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào;
Thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dânLào và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vềviệc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hànghóa qua lại biên giới giữa hai nước, ngày 23/8/1999;
Phù điêu Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tặng Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12/1986;
Liễn bạc, tặng phẩm của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khăm-tày Xi-phăn-đon tặng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười nhân dịp đồng chí sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Hà Nội, ngày 29/6/1996;
…
Về kinh tế, văn hóa – xã hội…, tài liệu, ảnh, hiện vật tiêu biểu gồm:
Các Hiệp định, Thỏa thuận, Biên bản ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận, Nghị định thư… về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật từng giai đoạn; về viện trợ và cho vay giữa hai chính phủ; hợp tác về năng lượng - điện, xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng; xây dựng công trình giao thông; về thương mại; về giáo dục và đào tạo; về nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển nông thôn; tìm kiếm, thăm dò khoáng sản sắt; thể dục và thể thao; về các dự án cụ thể khác…
…
Phần kết của triển lãm là hình ảnh Tòa nhà Quốc hội Lào – Quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, những hình ảnh các chuyến đi thăm hữu nghị của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên đất Lào và của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Lào trên đất Việt Nam trong năm 2021 và 2022, mở ra một chặng đường mới cho sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào.
Có thể nói, Triển lãm đã nêu bật được những thành quả, vai trò to lớn của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc đối với tiến trình cách mạng của mỗi nước, tập trung nhấn mạnh những bước ngoặt lịch sử, những sự kiện quan trọng, những thành tựu tiêu biểu mà nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào anh em đã giành được trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Triển lãm còn làm rõ những nhân tố tạo nên mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tế và hun đúc bằng công sức, sự hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào. Đồng thời, cũng đã thể hiện tinh thần nhất quán, cùng tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cùng đổi mới, tiến lên xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.
Bên cạnh việc tập trung phản ánh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, thủy chung, son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, triển lãm còn truyền tải một thông điệp mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát biểu: “Chúng ta vô cùng tự hào về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng phát triển và đơm hoa kết trái. Mối quan hệ này đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho muôn đời con cháu mai sau”.
Vì vậy, những hình ảnh, tài liệu, hiện vật và sách được trưng bày tại triển lãm sẽ giúp khách tham quan trong nước và quốc tế hiểu sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, từ đó chủ động, nâng cao hơn nữa ý thức bổi đắp, dựng xây cho mối quan hệ quý báu này phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.