BẢO TÀNG TÂY NINHhttps://baotang.tayninh.gov.vn/uploads/logo-btt_108_108.png
Thứ hai - 27/05/2024 08:57
Tính đến tháng 03/2024 tỉnh Tây Ninh đã có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện đại diện cho nhân loại và 08 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia
1. Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, Trảng Bàng Trong tiến trình khai hoang, lập ấp ở Trảng Bàng, ông cả Đặng Văn Trước là người có công lớn. Để ghi nhớ ơn ông, nhân dân trong làng đã xây đền thờ ông, rồi tôn ông làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Gia Lộc, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng (nay là phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng,), tỉnh Tây Ninh. Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội tại đình, hay còn gọi là lễ cúng đình, lễ Kỳ yên, từ ngày 14 đến 16 tháng 3 (Âm lịch), để cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà, một năm an lành, mùa màng bội thu, cũng là để kỷ niệm ngày ngày mất của ông. Theo các bậc cao niên, từ năm 1926, sau khi đình Gia Lộc được trùng tu, lễ Kỳ yên ở đình Gia Lộc đã được tổ chức liên tục cho đến ngày nay, trở thành nề nếp sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân đất Trảng. Lễ hội được tổ chức tại đền Ông cả Đặng Văn Trước và đình Gia Lộc. Lễ gồm có các nghi thức: Thỉnh sắc Thần, an vị, cúng tiền vãng, Túc yết, ẩm phước, xây chầu - đại bội… Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Kỳ yên ở đình Gia Lộc vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.
2. Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Tây Ninh: Đờn ca tài tử Nam Bộ du nhập vào Tây Ninh và từng bước lan tỏa vào đời sống dân cư từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX theo chân các cư dân Nam tiến, mở mang bờ cõi nước Việt. Người có ảnh hưởng nhiều nhất đến Đờn ca tài tử tại Tây Ninh là nhạc sư Nguyễn Quang Đại tức cụ Ba Đợi (Quan nhạc lễ triều đình nhà Nguyễn). Ngoài ra, các nghệ nhân ở Tây Ninh còn được tiếp cận Đờn ca tài tử qua khách thương hồ buôn bán ở các con sông, rạch trên địa bàn tỉnh. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay Đờn ca tài tử Nam Bộ đã phát triển rộng khắp trong cộng đồng dân cư, trở thành nét văn hoá truyền thống, là món ăn tinh thần của vùng đất và con người Tây Ninh. Đặc biệt Tây Ninh vinh dự là 01 trong 21 tỉnh, thành phố có loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vào ngày 05/12/2013. Với 229 Câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử, 76 gia đình Đờn ca tài tử (Theo số liệu báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2015-2020”) và 07 Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Đờn ca tài tử được công nhận (tính đến tháng 01/2024). Có thể nói, tỉnh Tây Ninh đã bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử, là nơi nuôi dưỡng, vun đắp, phát triển, góp phần cùng với chính quyền và nhân dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung gìn giữ, lưu truyền Nghệ thuật Đờn ca tài tử cho các thế hệ mai sau.
3- Múa trống Chhay - Dăm: Múa trống Chhay - dăm là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Khmer, tồn tại và phát triển hàng trăm năm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như ở ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu; ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên; ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh huyện, Châu Thành; ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hòa Thành)…. Múa trống Chhay - dăm là bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Khmer ở Tây Ninh, khác biệt với múa trống Chhay - dăm của dân tộc Khmer miền Tây Nam Bộ ở chỗ tiết tấu, giai điệu, âm thanh, động tác và cả trang phục. Múa trống Chhay - dăm, động tác chính là dùng tay, chân, đầu, chõ, múa trong âm điệu của trống. Tiết tấu chủ yếu là cắc tùm tum, tum tum tụp; cắc tùm tum gõ vào nơi tiếp giáp của thành và mặt trống, tum tum tụp gõ vào thẳng mặt trống. Tiết tấu có lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng giao duyên, lúc thể hiện sức mạnh, lúc vui đùa. Khi tiếng trống nổi lên bất cứ ai nghe lần đầu hoặc nhiều lần cũng rộn ràng, nôn nao với một sự phấn chấn khó tả. Múa trống Chhay - dăm là bài múa tập thể thường theo sự điều động của 1 người đứng đầu (hoặc nhóm trưởng). Múa trống Chhay - dăm xã Trường Tây, huyện Hòa Thành (nay là thị xã Hòa Thành) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày 19/12/2014, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.
4- Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại đến nay đã hơn một thế kỷ, trở thành nét văn hóa ẩm thực rất riêng và độc đáo của người dân nơi đây. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là món ăn đặc trưng, không thể thiếu, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư miền Đông Nam Bộ. Để có được sản phẩm là những chiếc bánh tráng phơi sương đẹp về thẩm mỹ và ngon về chất lượng, từ công đoạn đầu tiên là làm bột đến tráng bánh, nướng bánh, phơi sương và xếp bánh đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kinh nghiệm của đôi bàn tay các nghệ nhân trong việc lựa chọn nguyên liệu và chế biến. Bánh ngon là bánh có màu trắng đục, dẻo, tròn, có vị mặn và mùi thơm đặc trưng từ gạo. Để có được những chiếc bánh ngon, người làm bánh phải chọn loại gạo ngon, làm sạch, rồi ngâm nước từ 12 - 14 giờ; sau đó vớt ra vo kỹ, để ráo nước rồi cho vào cối đá xay thành bột và cho thêm ít muối vào khuấy đều để bánh có độ dai và vị mặn. Bánh phải được tráng tuần tự thành hai lớp, phơi từ 9 giờ đến 10 giờ 30 phút sáng thì bánh sẽ ngon hơn; còn nếu để quá trưa, nắng gắt thì bánh dễ bể và bong tróc. Hiện nay, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bảng không chỉ đảm bảo cuộc sống kinh tế của nhiều gia đình mà nó còn là niềm tự hào của người dân nơi đây, kết tinh trong đó biết bao giá trị về văn hóa ẩm thực, di sản của cha ông. Nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng), tỉnh Tây Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày 13/10/2015.
5- Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen
Bà Linh Sơn Thánh Mẫu -núi Bà Đen là một trong những biểu tượng thờ Mẫu điển hình ở Nam bộ. Nghi thức lễ hội có sự kết hợp hài hòa giữa nghi thức Phật giáo và dân gian. Hằng năm, lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức tại chùa Bà và Điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu thuộc di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Núi Bà Đen từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 âm lịch. Lễ Vía Bà được xem là lễ hội dân gian lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực miền Đông Nam Bộ nói chung. Chương trình lễ Vía Bà gồm các lễ chính: lễ Hưng tác; lễ Niệm hương Khai chung bản; lễ Khoa Nghinh thần chủ; lễ Khoa tịnh trù; lễ Khoa lược phát; lễ Tắm Bà; lễ Trình thập (khoa trình thập cúng); lễ Khai kinh nhiễu đàn; lễ Cúng Ngọ; lễ Bái sám; lễ Khoa cấp thuỷ; lễ Đăng đàn chuẩn tế.
6 - Lễ hội Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản:
Lễ hội Quan lớn Trà Vong là lễ hội dân gian mang bản sắc riêng của tỉnh Tây Ninh, tri ân bậc tiền hiền - vị tướng Huỳnh Công Giản, người đã có công khai hoang lập ấp, giữ gìn bờ cõi vùng đất Tây Ninh. Đối với người dân Tây Ninh, Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản là một vị anh hùng dân tộc tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm mà dân gian tôn thờ, sùng bái như một linh thần. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có 14 đền thờ tại các địa phương thuộc huyện Tân Biên, Châu Thành, thành phố Tây Ninh - nơi ông Huỳnh Công Giản đã từng đóng quân chống giặc, giữ yên an ninh bờ cõi. Hàng năm từ mùng 06 tháng 02 đến ngày 16 tháng 3 (âm lịch) nhân dân tại 14 đền thờ ở các địa phương trong tỉnh đều tổ chức lễ hội Quan lớn Trà Vong. Tại mỗi nơi lễ hội Quan lớn Trà Vong thường được tổ chức trong hai ngày. Ngày thứ nhất diễn ra với những nghi thức như: Lễ Nghênh thần, Lễ đăng tế điện, lễ Túc yết. Sau lễ Túc yết là phần hội như múa mâm vàng, múa dâng bông, múa lân; các trò chơi dân gian như: kéo co, đập heo đất, nhảy bao bố…. Ngày thứ hai (ngày chính của lễ hội Quan lớn Trà Vong) thực hiện lễ Tế Thần (hay còn gọi là lễ Châm chước) với các nghi thức: dâng cúng 3 tuần rượu, 3 tuần trà và tuần hương. Lễ hội Quan lớn Trà Vong tỉnh Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 2975/QĐ-BVHTTDL, ngày 26/8/2019.
7- Nghệ thuật chế biến món ăn chay:
Nghệ thuật chế biến các món chay ở Tây Ninh đã tồn tại lâu đời và không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của các tôn giáo Cao Đài, Phật giáo mà còn lan tỏa và hòa lẫn vào dòng ẩm thực dân gian, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực vùng đất Tây Ninh. Thực phẩm địa phương để chế biến các món chay rất phong phú, từ các sản vật đặc trưng đến các thực phẩm thông thường như: đậu hũ, đậu hũ ki non, nấm rơm, nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm dai, bắp chuối, trái chuối, các lọai khoai, bột mì, bột gạo, các loại rau cải, quả, muối, nước tương, các loại rau nêm và các gia vị khác… Từ việc ăn chay thường xuyên, người Tây Ninh đã sáng tạo, biến tấu những món rau, củ, quả trong vườn nhà trở thành những món chay giản đơn nhưng cực kỳ hấp dẫn, lạ miệng. Các nghệ nhân ẩm thực chay có thể sáng tạo và trình bày món ăn thành các tác phẩm nghệ thuật. Trong tiệc cưới hay lễ hội, cỗ chay được nâng lên mức nghệ thuật với cách chế biến công phu, trình bày mang tính nghệ thuật, là sự kết hợp của 5 vị: vị chua (là hành Mộc), vị cay (là hành Kim), vị mặn (là hành Thủy), vị đắng (là hành Hỏa), vị ngọt (là hành Thổ)… Đặc biệt, trong các nghi lễ của đạo Cao Đài, các món chay được chuẩn bị phong phú, hương vị đậm đà, nghệ thuật trình bày khá tinh xảo, thể hiện rõ nhất trong Hội Yến Diêu Trì Cung - một lễ hội văn hóa của đạo Cao Đài được tổ chức vào rằm tháng Tám hàng năm trong khuôn viên Nội ô Tòa thánh. Nghệ thuật chế biến món ăn chay ở Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 75/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022.
9- Nghề thủ công truyền thống Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, tại Quyết định số 2306/QĐ-BVHTTDL ngày 9.8.2024, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký quyết định đưa nghề thủ công truyền thống Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Quyết định yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào Danh mục tại Điều 1 Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Theo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, nghề làm nhang truyền thống ở Tây Ninh tập trung ở thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng, các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Biên và thành phố Tây Ninh.
Như vậy, cùng với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Tây Ninh, lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, múa trống Chhay-dăm, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen), lễ hội Quan lớn Trà Vong (Tân Biên), nghệ thuật chế biến món ăn chay và nghề thủ công truyền thống làm muối ớt, nghề làm nhang là di sản văn hoá thứ 9 của tỉnh Tây Ninh được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.